GHI NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ CÀ PHÊ ĐĂK HÀ
Ngày 24/6/2024, UBND huyện Đăk Hà đã tiến hành ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà cho 07 tổ chức, cá nhân (gồm 02 doanh nghiệp, 03 hợp tác xã và 02 cơ sở chế biến) theo Quyết định số 411/QĐ-UBND của UBND huyện Đăk Hà. Đây là nổ lực lớn của chính quyền địa phương trong việc khắc phục khó khăn, vướng mắc nhằm triển khai xây dựng và vận hành mô hình quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý sau khi được bảo hộ. Đồng thời là bước tiến quan trọng trong việc tổ chức vận hành và khai thác giá trị chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trên thị trường, góp phần nâng cao danh tiếng, hiệu quả cho người sản xuất, kinh doanh cà phê tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.
Lễ ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà cho các tổ chức, cá nhân
Khắc phục khó khăn trong quản lý chỉ dẫn địa lý
Năm 2019, chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà” cho sản phẩm cà phê của huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum (gọi tắt là: chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà) đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00079, theo Quyết định số 6221/QĐ-SHTT ngày 26/12/2019 của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Tuy nhiên, sau gần 05 năm được bảo hộ nhưng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà chưa được cấp quyền cho các tổ chức, cá nhân sử dụng và khai thác giá trị trên thị trường.
Thực tế các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có nhu cầu sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà được ban hành theo Quyết định 04/QĐ-UBND ngày 05/01/2021 của Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà khi áp dụng vào thực tế tồn tại một số bất cập, cụ thể: Chưa tách biệt được hoạt động đăng ký cấp quyền sử dụng cho các tổ chức, cá nhân với hoạt động kiểm soát (sau khi được cấp quyền); chưa quy định rõ trình tự, thủ tục tiếp nhận, đánh giá hồ sơ trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý; chưa phát huy được vai trò tự chịu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với việc sử dụng, duy trì danh tiếng, chất lượng của chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà. Ngoài ra, quy định của nhà nước về Sở hữu trí tuệ và Nghị định hướng dẫn thực hiện có nhiều thay đổi, điều chỉnh, việc sửa đổi, cập nhật Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà trở nên cấp thiết.
Với sự hỗ trợ của dự án “Quản lý, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Đăk Hà của tỉnh Kon Tum”, qua nghiên cứu, thảo luận và ghi nhận ý kiến của cơ quan quản lý, người sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn huyện, UBND huyện Đăk Hà ban hành theo Quyết định số 214/QĐ-UBND ngày 02/5/2024 về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà” cho sản phẩm cà phê của huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.
Dự án đã tổ chức triển khai các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về các quy định quản lý đối với chỉ dẫn địa lý sau khi được bảo hộ. Trong đó, vai trò và tính chủ động của người sản xuất, kinh doanh là yếu tố quyết định đến sự phát triển của chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà. Dự án cũng đã tiến hành hỗ trợ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng hồ sơ đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý và được UBND huyện ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định.
Kết quả bước đầu
Danh sách các tổ chức, cá nhân được ghi nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà” cho sản phẩm cà phê
(Ban hành kèm theo Quyết định số số 411/QĐ-UBND ngày 24 tháng 06 năm 2024 của Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà)
Khó khăn và giải pháp phát triển chỉ dẫn địa lý trên thị trường
Mặc dù lợi ích của chỉ dẫn địa lý đã được khẳng định với nhiều chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế. Tuy nhiên, việc xây dựng và chuyển giao mô hình quản lý và phát triển sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm mang CDĐL cà phê Đăk Hà cần nhiều thời gian để vận hành và đánh giá kết quả. Đặc biệt việc thử nghiệm logo chỉ dẫn địa lý trên hệ thống bao bì cho các tổ chức, cá nhân phù hợp với việc sử dụng chỉ dẫn địa lý và chiến lược thương mại, quảng bá của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở chế biến thương mại sản phẩm cà phê tại Đăk Hà là việc cần nhiều thời gian. Điều này cần sự nỗ lực của cơ quan quản lý và tổ chức cá nhân được ghi nhận quyền sử dụng trong việc đưa sản phẩm mang dấu hiệu chỉ dẫn địa lý ra thị trường.
Sự đồng thuận của các nhà sản xuất là yếu tố quan trọng: Các doanh nghiệp, HTX, cơ sở… đã có quá trình xây dựng thương hiệu riêng và đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Để thúc đẩy chỉ dẫn địa lý (thương hiệu chung của cộng đồng) đòi hỏi sự nổ lực chung của các tổ chức, cá nhân tham gia trồng, sơ chế, chế biến và thương mại cà phê tại địa phương. Vai trò của cơ quan quản lý (UBND huyện Đăk Hà) và các đơn vị liên quan cũng cần được phát huy trong việc quản lý “tài sản công” của cộng đồng và định hướng, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, cơ sở… và người nông dân trồng cà phê nhằm đảm bảo chất lượng, danh tiếng sản phẩm cà phê Đăk Hà trên thị trường.
Chỉ dẫn địa lý khai thác được giá trị bảo hộ khi trở thành dấu hiệu thương mại: Dấu hiệu chỉ dẫn địa lý Đăk Hà (bao gồm tên gọi và logo) cần được các tổ chức, cá nhân sự dụng trên bao bì sản phẩm, trở thành dấu hiệu nhận diện của người tiêu dùng thì chỉ dẫn địa lý mới phát huy được giá trị. Việc lựa chọn, khuyến khích và quản lý tốt các chủ thể được ghi nhận quyền trong giai đoạn thử nghiệm dấu hiệu chỉ dẫn địa lý trên thị trường có ý nghĩa quan trọng, bước khởi đầu tốt để thúc đẩy các doanh nghiệp, HTX, cơ sở… quản lý, sử dụng và khai thác chỉ dẫn địa lý Đăk Hà.
Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng: Phòng Kinh tế & Hạ tầng, phòng Nông nghiệp & PTNT, UBND các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động kiểm tra, kiểm soát đối với chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà theo Quy chế đã được UBND huyện ban hành. Chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch, phối hợp với các tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý triển khai việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát đảm bảo chất lượng cà phê Đăk Hà trên thị trường.