logo

GIẢI PHÁP QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN CHỈ DẪN ĐỊA LÝ CÀ PHÊ ĐĂK HÀ

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ PHÁT TRIỂN CHỈ DẪN ĐỊA LÝ CÀ PHÊ ĐĂK HÀ CỦA TỈNH KON TUM

1. Bối cảnh

Chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà” cho sản phẩm cà phê của huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum (gọi tắt là: chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà) đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00079, theo Quyết định số 6221/QĐ-SHTT ngày 26/12/2019 của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Sau gần 05 năm được bảo hộ nhưng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà chưa được cấp quyền cho các tổ chức, cá nhân sử dụng và khai thác giá trị trên thị trường. Thực tế này đặt ra yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà (đơn vị được giao quản lý chỉ dẫn địa lý) phải tiến hành các hoạt động ghi nhận quyền sử dụng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, đáp ứng điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà.

Thực tế các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có nhu cầu sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà được ban hành theo Quyết định 04/QĐ-UBND ngày 05/01/2021 của Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà khi áp dụng vào thực tế tồn tại một số bất cập. Ngoài ra, quy định của nhà nước về Sở hữu trí tuệ và Nghị định hướng dẫn thực hiện có nhiều thay đổi, điều chỉnh, việc sửa đổi, cập nhật Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà trở nên cấp thiết. Nghị định 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Đặc biệt là quy định mới điều chỉnh từ “Cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý” sang “ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý” theo Quy định tại Điều 38, Nghị định 65/2023/NĐ-CP.

Thực tế này, đòi hỏi phải triển khai các giải pháp mới nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà.

2. Mục tiêu

  • Thiết lập và vận hành thành công mô hình quản lý, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà” cho sản phẩm cà phê theo chuỗi giá trị nhằm đảm bảo chất lượng, nguồn gốc sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum;
  • Kiện toàn, cũng cố tổ chức tập thể, tăng cường năng lực của các tác nhân, thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với truy xuất nguồn gốc và thương mại sản phẩm mang dấu hiệu chỉ dẫn địa lý.
  • Xây dựng các phương tiện, tổ chức các hoạt động quảng bá, phát triển kênh thương mại, nâng cao giá trị sản phẩm và khả năng tiếp cận của người tiêu dùng đối với sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý Đăk Hà nhằm nâng cao danh tiếng, hiệu quả kinh tế cho sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

3. Thực hiện các giải pháp quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà

3.1. Hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý đối với chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà

Thực tế các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có nhu cầu sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà” cho sản phẩm cà phê được ban hành theo Quyết định 04/QĐ-UBND ngày 05/01/2021 của UBND huyện Đăk Hà khi áp dụng vào thực tế tồn tại một số bất cập, cụ thể: Chưa tách biệt được hoạt động đăng ký quyền sử dụng cho các tổ chức, cá nhân với hoạt động kiểm soát (sau khi được trao quyền sử dụng); chưa quy định rõ trình tự, thủ tục tiếp nhận, đánh giá hồ sơ trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý; chưa phát huy được vai trò tự chịu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với việc sử dụng, duy trì danh tiếng, chất lượng của chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà. Vai trò và trách nhiệm của các đơn vị tham gia quản lý (Phòng Kinh tế & Hạ tầng, phòng Nông nghiệp và PTNT, Hội cà phê Đăk Hà) không rõ ràng, chồng chéo.

Do vậy, cần sửa đổi Quyết định 04/QĐ-UBND ngày 05/01/2021 của UBND huyện Đăk Hà về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà” cho sản phẩm cà phê của huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế đang gặp phải trong vận hành mô hình quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà. Hình thức sửa đổi: ban hành quy chế mới thay thế quy chế cũ chưa được áp dụng.

Thông qua triển khai nhiệm vụ: Quản lý, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Đăk Hà của tỉnh Kon Tum”, UBND huyện Đăk Hà đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum, Trung tâm Phát triển nông thôn (đơn vị chủ trì nhiệm vụ) đã tiến hành dự thảo, lấy ý kiến để hoàn thiện và ban hành Quy chế thay thế cho Quyết định 04/QĐ-UBND.

 

Hình ảnh hội nghị lấy ý kiến

Kết quả: UBND huyện Đăk Hà đã thống nhất ban hành Quyết định số 214/QĐ-UBND ngày 02/05/2024 về Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà” cho sản phẩm cà phê của huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.

3.2. Tổ chức vận hành mô hình quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà

  • Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà theo Quyết định số 6221/QĐ-SHTT ngày 26/12/2019 của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý quy định tại Điều 37 và Điều 38 của Nghị định 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
  • Quản lý chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà được quy định dựa trên những điều kiện thực tế về sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân tại địa phương, đồng thời đảm bảo các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
  • Phát huy, khuyến khích tối đa tính chủ động, độc lập và tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm cà phê Đăk Hà trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị, danh tiếng của chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà đã được bảo hộ.
  • Thống nhất một đầu mối: Phòng Kinh tế và Hạ tầng là đơn vị được giao quản lý Khoa học và Công nghệ (Sở hữu trí tuệ), chịu trách nhiệm chủ trì, tham mưu Ủy ban nhân dân huyện trong công tác quản lý, trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn. 

3.2. Tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát sử dụng chỉ dẫn địa lý

  • Vận dụng cơ chế hậu kiểm trong việc trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn huyện Đăk Hà sử dụng, khai thác và nâng cao giá trị thương mại đối với chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà được bảo hộ.
  • Kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý: thực hiện theo kế hoạch kiểm tra, kiểm soát (định kỳ/đột xuất) được Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà phê duyệt; Tổ kiểm soát do Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà quyết định thành lập để thực hiện kế hoạch kiểm soát. Thành viên tham gia tổ kiểm soát gồm đại diện của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện… và cán bộ, chuyên gia am hiểu về nội dung kiểm tra, kiểm soát.

3.3. Củng cố và nâng cao năng lực của tổ chức tập thể

Việc củng cố, kiện toàn Hội cà phê Đăk Hà gặp khó khăn do: i) Hội cà phê Đăk Hà được thành lập năm 2014, theo Khoản 3, Điều 20 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, quy định “Nhiệm kỳ đại hội do điều lệ hội quy định nhưng không quá năm năm kể từ ngày kết thúc đại hội nhiệm kỳ trước”. Như vậy, theo quy định Hội cà phê Đăk Hà phải tổ chức Đại hội nhiệm kỳ II vào năm 2019. Tuy vậy, đến thời điểm triển khai nhiệm vụ (năm 2022), Hội cà phê Đăk Hà vẫn chưa tổ chức Đại hội.

Nguyên nhân của những tồn tại trên theo đánh giá: thực tế nhiệm kỳ đầu Hội hoạt động không hiệu quả, không thực hiện được vai trò của tổ chức tập thể đối với thành viên trong sản xuất, kinh doanh cà phê tại Đăk Hà; các thành viên Ban chấp hành hội chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Nhân sự của Ban chấp hành cũ không còn tham gia hoạt động của hội, không giới thiệu được nhân sự cho nhiệm kỳ tiếp theo. Do vậy, việc cũng cố, kiện toàn Hội cà phê Đăk Hà tham gia vào mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà không còn phù hợp và khả thi trên thực tế.

Do vậy, đơn vị chủ trì sẽ thảo luận, tham vấn xin ý kiến cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cà phê tại huyện Đăk Hà để có phương án xây dựng mô hình phù hợp với thực tế. Mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà” cho sản phẩm cà phê theo theo dự kiến ban đầu có sự tham gia của“Hội cà phê Đăk Hà/Tổ chức tập thể” được thay thế bằng “Tổ chức tập thể - HTX” để phù hợp với tình hình thực tế. Điều này sẽ được thảo luận, thống nhất và điều chỉnh trong Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà” sửa đổi.

Trong khuôn khổ nhiệm vụ: Trung tâm Phát triển nông thôn đã phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đăk Hà, UBND các xã Đăk Mar, Đăk Hring, Đăk Ui, Đăk La, Hà Mòn, Đăk Ngọk tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho người sản xuất về: quy trình sản xuất, chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu.

Hình ảnh lớp tập huấn nâng cao năng lực

Các giải pháp cần làm trong thời gian tới

  • Tổ chức hỗ trợ ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất... nhằm khai thác hiệu quả giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà đã được bảo hộ;
  • Hỗ trợ các cơ sở được ghi nhận quyền hoàn thiện hệ thống bao bì, tem nhãn sử dụng thử nghiệm các dấu hiệu chỉ dẫn địa lý trên thị trường.
  • Nâng cao năng lực cho các tổ chức tập thể (HTX), các hộ, cơ sở sản xuất cà về Đăk Hà trong việc tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng và thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với truy xuất nguồn gốc và thương mại sản phẩm mang dấu hiệu chỉ dẫn địa lý;
  • Tổ chức hoạt động kiểm tra, kiểm soát đối với các tổ chức, cá nhân được ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý;
  • Triển khai các hoạt động giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm nâng cao danh tiếng, hiệu quả kinh tế cho sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý;
  • Đánh giá tổng kết kinh nghiệm, hoàn thiện mô hình quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Đăk Hà của tỉnh Kon Tum.
  • Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà tiếp tục phối hợp và chỉ đạo phòng chuyên môn, khuyến khích doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất, chế biến phối hợp, chủ động trong việc triển khai các giải pháp phát triển chỉ dẫn địa lý, giúp nâng cao danh tiếng và thị phần sản phẩm cà phê Đăk Hà trên thị trường (trong nước và quốc tế). Phát huy đa giá trị đối với sản phẩm chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trong việc giới thiệu, quảng bá văn hóa, du lịch... thúc đẩy kinh tế địa phương.