Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 11/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa VI về lãnh đạo phát triển thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” vươn tầm quốc tế giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 203; Quyết định số 214/QĐ-UBND ngày 02/05/2024 của Ủy ban nhân dân huyện ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà” cho sản phẩm cà phê của huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.
Để chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc thu hoạch cà phê, sơ chế, chế biến và tiêu thụ cà phê niên vụ 2024 - 2025 được thuận lợi, an toàn và hiệu quả; Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà ban hành kế hoạch số 274/KH-UBND ngày 8/10/2024 Kế hoạch thu hái, sơ chế, chế biến và tiêu thụ cà phê niên vụ 2024 – 2025, với các nội dung trọng tâm như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, xây dựng thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” đã được công nhận Chỉ dẫn địa lý cho “Cà phê Đăk Hà”; Triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 17/3/2021 của Ủy ban nhân dân huyện về thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 11/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa VI) về lãnh đạo phát triển thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” vươn tầm quốc tế giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.
2. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị với địa phương trong quá trình thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ cà phê.
3. Cân đối, điều chuyển lao động thu hái cà phê trên địa bàn huyện một cách hợp lý, tạo điều kiện đảm bảo ngày công và việc làm cho người lao động, đặc biệt là những lao động đã được đào tạo thu hái cà phê.
4. Hướng dẫn và quản lý việc thu hoạch cà phê, đảm bảo tỷ lệ quả chín khi thu hoạch phải đạt từ 95% trở lên. Chế biến và tiêu thụ cà phê đảm bảo chất lượng, xuất cà phê ra khỏi địa bàn huyện phải là cà phê nhân có Chỉ dẫn địa lý và sử dụng bao bì, nhãn mác có lô gô “Cà phê Đăk Hà”.
5. Tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường trong việc thu mua và tiêu thụ sản phẩm cà phê, tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong thời gian thu hoạch cà phê trên địa bàn.
II. NỘI DUNG
1. Tạo điều kiện để các hộ gia đình, nông dân sản xuất cà phê trên địa bàn thu hoạch, sơ chế, chế biến và tiêu thụ cà phê thuận lợi
- Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và vận động người sản xuất cà phê tuyệt đối không được thu hái cà phê xanh; khi thu hoạch cà phê phải đảm bảo tỷ lệ quả chín từ 95% trở lên. Tuyên truyền, vận động Nhân dân tận dụng lao động trong mùa thu hái cà phê, để nâng cao thu nhập.
- Tiếp tục chỉ đạo và hướng dẫn Nhân dân thu hoạch cà phê với quan điểm “Chín đến đâu hái đến đó”. Tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, các phương tiện đi lại, vận chuyển sản phẩm cà phê; đồng thời, có sự quản lý, giám sát diện tích cà phê cho thu hoạch, giám sát điều tiết lao động đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lao động trong suốt niên vụ thu hoạch.
- Thường xuyên nắm bắt, dự báo tình hình, diễn biến thị trường cà phê để thông tin kịp thời giá cả cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu “Cà phê Đăk Hà”, Logo Chỉ dẫn địa lý “Cà phê Đăk Hà”; mặt khác tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại trong thu mua, chế biến, tiêu thụ cà phê.
- Hướng dẫn, các tổ chức, cá nhân về trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh, thu mua cà phê; đồng thời cần quản lý, giám sát các tổ chức cá nhân này, đảm bảo để người dân yên tâm khi ký gửi cà phê và xuất cà phê ra khỏi địa bàn đảm bảo đúng quy định.
- Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc cấp giấy đăng ký kinh doanh trên địa bàn; thu hồi giấy phép kinh doanh và đình chỉ hoạt động đối với các trường hợp kinh doanh không đúng nội dung trong giấy đăng ký kinh doanh;
2. Chỉ đạo điều tiết lao động và bảo vệ môi trường trong sơ chế, chế biến cà phê
- Xây dựng kế hoạch điều tiết lao động giữa các địa phương trong mùa thu hái cà phê trên địa bàn huyện một cách hợp lý. Tạo điều kiện đảm bảo ngày công và công việc làm cho người lao động, đặc biệt là những lao động đã được đào tạo thu hái cà phê.
- Đối với các tổ chức, cá nhân có sân phơi cà phê và hoạt động xay xát cà phê phải hoàn tất các thủ tục như: chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nếu có) để xây dựng sân phơi; đăng ký cam kết bảo vệ môi trường trong hoạt động xay xát cà phê…
- Tăng cường kiểm tra các cơ sở xay xát cà phê, kịp thời chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm về ô nhiễm môi trường.
3. Về kiểm tra việc thu hoạch và thu mua sản phẩm cà phê
- Thành lập Đoàn kiểm tra Liên ngành của huyện để hỗ trợ các địa phương khi cần thiết, kiểm tra và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện thu hoạch, kinh doanh thu mua sản phẩm cà phê trên địa bàn theo đúng quy định.
- Kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có) như: thu hoạch, thu mua cà phê tỷ lệ quả chín chưa đạt 95% trở lên; kinh doanh cà phê không lành mạnh như: ép giá người sản xuất, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước; vi phạm thương hiệu, logo... xử lý nghiêm các trường hợp xuất cà phê quả tươi, không đảm bảo chất lượng ra khỏi địa bàn huyện.
4. Chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự: Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, kiểm tra các phương tiện vận chuyển, thu mua sản phẩm cà phê đảm bảo đúng thủ tục quy định. Phát hiện và kịp thời xử lý những trường hợp trộm cắp sản phẩm cà phê. Thường xuyên làm tốt công tác quản lý nhân, hộ khẩu tạm trú và đảm bảo an ninh trong các khu dân cư trên địa bàn.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Các phòng ban, đơn vị liên quan tổ chức, phối hợp thực hiện theo Kế hoạch được UBND huyện phân công. Trong đó,
1. Phòng Kinh tế và Hạ tầng
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tăng cường xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu “Cà phê Đăk Hà”.
- Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm cà phê Đăk Hà trên địa bàn thực hiện các quy định quản lý, kiểm soát và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Đăk Hà”. Hướng dẫn cá nhân, tổ chức sản xuất chế biến cà phê việc sử dụng logo Chỉ dẫn địa lý “Cà phê Đăk Hà”.
- Chủ trì, phối hợp cùng Đoàn kiểm tra Liên ngành huyện và các xã, thị trấn kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại trong thu mua, chế biến, tiêu thụ cà phê; tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, sản xuất, kinh doanh cà phê đổi mới công nghệ chế biến, bảo quản nhằm đảm bảo chất lượng cà phê sau thu hoạch.
2. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tiếp tục rà soát, bổ sung, tuyên truyền, hướng dẫn quy trình sản xuất, thu hoạch và chế biến cà phê theo các tiêu chuẩn 4C, UTZ, RSA...; phổ biến quy trình tái canh cà phê Vối đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tại Quyết định số 2085/QĐ-BNN-TT, ngày 31/5/2016, Quyết định số 1178/QĐ-BNN-TT, ngày 31/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phê duyệt Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025 và quy trình trồng xen cây hồ tiêu, cây bơ, cây sầu riêng trong vườn cà phê vối tại Quyết định số 3702/QĐ-BNN-TT, ngày 24/9/2019; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện bám nắm đồng ruộng, phát hiện, theo dõi và dự báo tình hình sâu bệnh hại cây cà phê, đồng thời đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân huyện theo dõi, đôn đốc và tổng hợp báo cáo việc thực hiện sản xuất, thu hoạch cà phê của các đơn vị, địa phương theo nội dung Kế hoạch này về Ủy ban nhân dân huyện.
3. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn
- Xây dựng Kế hoạch và tăng cường công tác bảo vệ diện tích cà phê chuẩn bị kỳ thu hoạch, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân không thu hái cà phê xanh, đảm bảo tỷ lệ quả chín khi hái đạt từ 95% trở lên; khuyến khích việc thu hái theo nhiều đợt để đảm bảo tỷ lệ quả chín, đồng thời đảm bảo cho cây cà phê nhanh phục hồi và phát triển cho niên vụ sau (Thời gian bắt đầu thu hoạch từ ngày 30/10/2024 và kết thúc vào ngày 31/12/2024).
- Trong thời gian này, tận dụng nhân công tại chỗ theo hình thức đổi công, ưu tiên nhân công cho các vườn chín trước; tuyên truyền, vận động người nông dân không đi khỏi địa bàn, tập trung cho công tác thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ cà phê; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, các phương tiện đi lại để thu hoạch cà phê. Hướng dẫn người dân chủ động chuẩn bị sân phơi, máy sấy phòng trường hợp thời điểm thu hoạch mưa kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cà phê.
- Tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát theo yêu cầu phòng, chống dịch, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong thời gian thu hoạch, chế biến, bảo quản cà phê. Đồng thời kịp thời xử lý các trường hợp không chấp hành đúng quy định việc thu mua, thu hoạch sản phẩm cà phê, về đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, tạm trú, tạm vắng, vệ sinh môi trường.
- Tổng hợp nhu cầu tham gia thị trường lao động thu hoạch cà phê niên vụ 2024 - 2025 tại địa phương, chủ động phối hợp với các Công ty cà phê, chủ vườn cà phê để ký kết hợp đồng lao động tại địa phương tham gia thu hái cà phê tại các công ty, doanh nghiệp sản xuất cà phê trên địa bàn huyện.
4. Các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thu mua cà phê trên địa bàn huyện
- Thực hiện kinh doanh, thu mua cà phê chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ cà phê, thực hiện cạnh tranh lành mạnh và kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, của địa phương; niêm yết giá công khai; đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
- Chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn để ký kết hợp đồng lao động thu hoạch cà phê. Đồng thời, tuyên truyền người lao động đến thu hái cà phê chấp hành nghiêm túc các quy định của công ty, chính quyền địa phương về thu hái phải đảm bảo tỷ lệ quả chín theo quy định, đăng ký tạm trú, tạm vắng, đảm bảo an ninh trật tự;
- Phối hợp với chính quyền địa phương phát hiện và ngăn chặn kịp thời những trường hợp vi phạm như: mua cà phê của trẻ chưa đủ thành niên; các tổ chức, cá nhân thu mua không đăng ký kinh doanh hoặc mua bán không đúng địa điểm đăng ký theo quy định.